Nhìn chung đây là một trong những thắc mắc điển hình nhất mà nhiều phụ nữ Việt Nam ở Nhật đã, đang và sẽ có thời điểm phải đối mặt. Nói tóm lại lựa chọn nào cũng đều đúng cả, chỉ có điều nó phù hợp với đối tượng nào hơn thôi.
1. Về khoản thu nhập
Với các mẹ Việt làm công việc toàn thời gian, hàng tháng trung bình sẽ nhận được mức lương khoảng trên dưới 20 vạn yên tuỳ công việc. Tuy vậy, bạn cũng sẽ bị khấu trừ trực tiếp từ lương hàng tháng nhiều khoản bắt buộc phải nộp khác nhiều hơn so với làm baito và phụ thuộc vào người chồng như: tiền bảo hiểm xã hội (ví dụ như bảo hiểm lương hưu, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm thất nghiệp,…), thuế thị dân và thuế thu nhập.
Và một điểm cần lưu ý là so với người làm baito, các mẹ làm công việc toàn thời gian do không phụ thuộc vào chồng nữa nên không được khai giảm thuế theo chồng, vì vậy tiền thuế của người chồng sẽ bị tăng lên. Bên cạnh đó, tiền học mẫu giáo được cấp phép của quận 認可保育園 và tiền trông trẻ quá giờ 延長保育 sẽ tăng lên một khoản so với mẹ làm baito.
Vì vậy, khi tính đến mức thu nhập khi làm việc full-time với baito, các mẹ cần cân nhắc cả phần chênh lệch ngầm bởi thuế của người chồng và học phí mẫu giáo của con bị đội lên nữa nhé.
Tóm gọn lại, mức thu nhập của mẹ làm baito và mẹ làm full-time sẽ chỉ chênh lệch từ 3 đến 4 vạn yên một tháng và thời gian cũng như tính chất công việc có khá nhiều sự khác nhau.
2. Về thời gian làm việc
Thời gian làm việc theo quy định của các mẹ làm full-time là 8h/ngày, tổng 40h/tuần. Tuỳ theo khối lượng công việc mà sẽ có phát sinh làm thêm, khó tránh khỏi việc làm quá giờ. Việc đón con, sắp xếp thời gian cho con cũng như thời gian dành cho gia đình cũng hạn chế hơn so với các mẹ làm baito.
Tuy nhiên, các mẹ làm full-time nuôi con nhỏ có thể sử dụng chế độ 時短勤務(じたんきんむ)cho phép giảm thời gian làm việc còn mức 6h/ngày (được áp dụng cho đến khi con ba tuổi) và được miễn hình thức phải làm thêm giờ. Nhưng tuy nhiên, chế độ này có điểm bất lợi ở chỗ tiền lương không được đảm bảo, nhiều nơi sẽ tính mức lương dựa theo giờ làm việc thực tế, nghĩa là thu nhập có thể sẽ bị giảm (ví dụ chỉ được nhận 75% lương của tháng đó, tức lương 20 vạn giảm còn 15 vạn, trừ đi khoản thu khác cho nên thu nhập thực tế còn khoảng trên 10 vạn, ngang với mức lương làm baito) .
Tuy vậy, các mẹ làm full-time thường sẽ có ngày phép (khoảng 10 ngày/năm trở lên) nên có thể lấy ngày phép có lương 有給 (ゆうきゅう) để nghỉ khi con ốm/sốt. Số lượng ngày nghỉ 有給 tăng theo thời gian làm việc.
Thời gian làm việc của các mẹ đi baito thường linh hoạt, thoải mái hơn nên sẽ sắp xếp được thời gian đi đón con sớm, tham gia các hoạt động ngoại khóa cùng con, thậm chí có thể xin nghỉ phép dài cùng gia đình về Việt Nam trong kỳ nghì lễ. Tuỳ chỗ làm mà mẹ Việt có thể chọn nghỉ vào ngày nghỉ có lương 有給. Bên cạnh đó, do tính chất công việc nên hiếm khi phải làm thêm, tùy thuộc vào bản thân có chọn làm thêm giờ hay không.
Nhưng nói đi cũng phải nói lại, nơi cho phép nhân viên baito lấy ngày nghỉ cấp lương thường ít, và số ngày nghỉ được có lương cũng không nhiều.
Ngoài ra, những phụ nữ làm công việc baito có thể đăng kí chế độ 時短勤務(じたんきんむ)nếu đáp ứng đủ tiêu chí một tuần có trên 3 buổi làm hơn 6h/ngày. Tuy nhiên, ít người sử dụng chế độ này do thường chọn cách đăng kí giờ làm hơn.
3. Về chế độ
Chế độ về nghỉ sinh nở/chăm con
Phụ nữ làm full-time được tham gia đầy đủ bảo hiểm xã hội, gồm bảo hiểm lương hưu, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm thất nghiệp. Trong khoảng thời gian 6 tuần trước thời điểm dự sinh và 8 tuần sau sinh các mẹ có thể nhận chế độ nghỉ sinh con 産休手当金(出産手当金, được bảo hiểm chi trả cho hai phần ba lương một ngày áp dụng cho số ngày nghỉ sinh).
Sau khi thời gian nghỉ thai sản kết thúc, các mẹ có thể xin nghỉ tiếp đến khi con tròn một tuổi thậm chí đến một tuổi rưỡi (trường hợp đặc biệt). Trong thời gian này, các mẹ có thể nhận được tiền trợ cấp tương ứng khoảng 67% lương hàng tháng, gọi là 育児休業給付金(いくじきゅうぎょうきゅうふきん).
Thêm vào đó, tuỳ từng công ty sẽ có chế độ chu cấp cho nhân viên mang bầu 出産祝い金 tối thiểu 5 sen và tối đa là 20 vạn.
Các mẹ làm baito nếu tham gia bảo hiểm y tế quốc dân hay vào chế độ bảo hiểm phụ thuộc chồng 扶養 sẽ không được nhận khoản trợ cấp nghỉ sinh con như các mẹ làm full-time.
Tuy nhiên nếu phụ nữ làm baito đăng ký tham gia BHXH 社会保険 có thể nhận được khoản trợ cấp này. Các mẹ làm baito theo hợp đồng dài hạn và nếu công ty có chế độ tốt thì có thể được hưởng mức trợ cấp nghỉ chăm con có bảo hiểm chi trả nếu có tham gia bảo hiểm lao động trong 2 năm trước thời điểm nghỉ chăm con, có tổng cộng 12 tháng trở lên và số ngày làm việc trong một tháng lớn hơn 11 ngày.
Nói tóm lại, về các chế liên quan đến nghỉ sinh nở/chăm con các mẹ làm full-time sẽ chắc chắn nhận được đầy đủ các chế độ để yên tâm nghỉ sinh nở/chăm con.
Các chế độ khác
– Các mẹ làm full-time thường sẽ được tham gia khám sức khoẻ định kỳ hàng năm 定期健康診断(ていきけんこうしんだん)theo công ty. Tuỳ vào từng công ty, các mẹ làm full-time có thể nhận được tiền nghỉ việc 退職金(たいしょくきん, số tiền sẽ phụ thuộc vào nghỉ việc do lý do cá nhân hay lý do phía công ty, cũng như thời gian làm việc càng lâu thì số tiền này cũng sẽ càng tăng lên. Ngoài ra, nếu công ty có chế độ, phụ nữ làm full-time cũng nhận được tiền hỗ trợ thuê nhà 住宅手当(じゅうたくてあて).
– Các mẹ làm baito nhìn chung sẽ không có các chế độ như các mẹ làm full-time ở trên, tuy nhiên nếu loại bảo hiểm của chồng cho phép người phụ thuộc hưởng thì các mẹ cũng có thể tham gia khám sức khoẻ định kỳ hàng năm cũng như nhận được thêm tiền hỗ trợ sinh nở và trợ cấp thêm chi phí y tế sau khi đã chặn trên.
Tóm lại, phụ nữ làm full-time hưởng nhiều lợi ích hơn so với các mẹ làm baito về các chế độ. Tuy nhiên lưu ý không phải tất cả các công ty đều cung cấp đầy đủ các chế độ kể trên, cũng như nếu công ty/loại bảo hiểm chồng bạn tham gia cho phép người phụ thuộc hưởng thì các mẹ baito vẫn có thể nhận được các chế độ nhất định.
4. Những lợi ích khác
– Các mẹ làm full-time thường có cơ hội trau dồi tiếng Nhật và các kỹ năng khác, về lâu dài có sự nghiệp riêng cho bản thân. Ngoài ra công việc ổn định và phát huy được năng lực bản thân, không chỉ có lợi ích về mặt kinh tế mà còn đem lại cho các mẹ cơ hội trưởng thành và thoả mãn cái tôi. Về điểm này các mẹ làm baito thường ít khi có được do tính chất công việc không phải dùng tiếng Nhật nhiều cũng như ít khi dược giao cho các công việc có tính trách nhiệm cao.
– Các mẹ làm full-time cũng có cơ hội giao lưu với nhân viên công ty, trải nghiệm được văn hoá của công ty nhật nhiều hơn các mẹ baito.
– Khi đăng ký xin nhà trẻ cho con, các mẹ làm full-time có lợi thế và cơ hội xin vào nhà trẻ cho con nhiều hơn các mẹ làm baito.
Kết luận
Sau khi đã nắm rõ đầy đủ thông tin để cân nhắc giữa các phương án rồi và biết được bản thân muốn gì rồi, tôi tin rằng các bạn sẽ có quyết định phù hợp nhất với bản thân bạn. Nó có thể sai với người khác, nhưng nó đúng với bạn. Đó là điều quan trọng nhất.
Và hãy nhớ, là kể cả nó đúng với bản thân bạn vào thời điểm này, thì có thể nó cũng sẽ sai vào một thời điểm nào khác trong tương lai, khi các tiêu chí của bạn dần thay đổi. Không phải cứ làm baito là baito suốt, làm full-time là full-time suốt. Chỉ cần bạn luôn biết rõ bạn muốn gì và luôn chuẩn bị sẵn sàng cho các phương án mà mình muốn lựa chọn, thì đừng băn khoăn nhiều quá nhé!