Khi sống, học tập, và làm việc tại đây, người Việt chúng ta cũng nghỉ lễ theo lịch của người Nhật. Vào dịp này, bên cạnh việc nghỉ ngơi, đi thăm bạn bè, tổ chức ăn uống, chúng ta có thể tham gia các hoạt động văn hoá của người Nhật để thêm trải nghiệm vui vẻ.
Vì đều là quốc gia phương Đông nên giữa Việt Nam và Nhật Bản có những nét tương đồng trong phong tục đầu năm. Và có những nét đặc biệt, rất thú vị, riêng của đất nước mặt trời mọc. Chúng ta cùng tìm hiểu xem sao nhé.
Về phong tục trong ngày cuối năm Omisoka (大晦日), bạn có thể tìm hiểu thêm ở bài viết trước.
1. Chuông giao thừa – Joyanokane

Tiếng chuông giao thừa ở Nhật được gọi là 除夜の鐘(joya no kane). Các ngôi chùa ở mỗi địa phương sẽ gióng lên 108 tiếng chuông thánh thót – tượng trưng cho 108 ham muốn trần tục của con người theo cách nghĩ của Phật giáo, từ lúc vừa qua 23 giờ ngày 31, kéo dài đến 0 giờ ngày hôm sau. Đây là một trong những lễ nghi quan trọng nhất trong năm đối với các chùa Phật giáo khắp nước Nhật. Dù bạn sống ở bất kỳ đâu, bạn có thể nghe thấy âm thanh chuông ngân ở khu vực bạn sống.
Từ kanji Jo (徐) có nghĩa là “loại bỏ đi cái cũ và tiến đến các mới”, và Ya(夜)có nghĩa là “đêm”. Vì vậy, đó là đêm hoàn hảo để loại bỏ con người cũ phía sau và bắt đầu năm mới với những giải pháp mới và một tinh thần sáng láng. Vào thời điểm bạn đếm đến số 108, bạn đã sẵn sàng một năm mới trong lành không vướng bận những phiền não nữa – theo đúng lý thuyết.
2. Bữa ăn đầu năm Osechi

Osechi-ryōri (お節料理) là bữa ăn mừng Tết Nhật Bản. Truyền thống này khởi đầu từ thời kỳ Heian (794-1185). Osechi là thức ăn đặc biệt của người Nhật cả về hình thù lẫn nội dung đựng vào một tráp sơn để mở ra ăn dần vào ngày đầu năm.
Về bề ngoài thì osechi được bưng ra trong hộp tráp jūbako (重箱). Bên trong thì mỗi vật liệu và màu mè bắt mắt của từng món đều có ý nghĩa cầu phúc với những điềm tốt lành. Hộp jūbako về chức năng thì cũng giống như hộp bento nhưng thường là ba hay bốn khay chồng lên nhau và chỉ dùng trong bữa ăn osechi mà thôi. Khi dùng xong thì lại cất đi cho đến tết năm sau.
3. Đi lễ chùa – Hatsumode

Hatsumode là phong tục viếng thăm đền thờ vào ngày đầu năm mới của người Nhật. Tại Nhật Bản, thì Phật giáo và Thần Đạo (Shinto) có mối quan hệ sâu sắc, nên đa số người Nhật đều thực hiện nghi lễ của cả 2 tôn giáo này. Đây cũng là một nét đặc trưng của người Nhật. Chính vì vậy, sau khi nghe chuông trừ tịch tại chùa vào đêm giao thừa, người Nhật sẽ đi Hatsumode. Từ rạng sáng 1/1 bạn có thể trông thấy hình ảnh mọi người mặc kimono đi viếng đền, chùa.
4. Gửi thiệp chúc tết – Nengajo

Nengajo là một loại postcard đặc biệt mà người Nhật gửi cho bạn bè và người quen như một hình thức chào hỏi cuối năm. Thiệp chúc tết là tấm thiệp ghi lời chào, lời chúc gửi đến người thân, bạn bè vào dịp năm mới. Tại Nhật Bản, các năm được gọi theo tên 12 con giáp, cho nên thiệp chúc Tết thường được vẽ, thiết kế hình 12 con giáp. Nengajo thường bắt đầu với một câu tiêu chuẩn Akemashite Omedeto Gozaimasu (Chúc mừng năm mới) và Kotoshi mo Yoroshiku Onegaishimasu (Xin cảm ơn cho sự hỗ trợ trong năm tiếp theo). Thêm vào đó, mọi người thường viết về họ đang làm gì gần đây hoặc những giải pháp năm mới với hình ảnh gia đình hoặc con giáp của năm tiếp theo.
5. Lì xì cho trẻ em – Otoshidama

Cũng giống như ở Việt Nam, trong ngày đầu năm, người lớn sẽ lì xì cho trẻ em. Trong tiếng Nhật được gọi là Otoshidama. Khác với ở Việt Nam thì trẻ em ở Nhật thường chỉ nhận được lì xì từ cha mẹ, ông bà, và người thân, khoảng 5-6 người. Lượng tiền trong mỗi phong bì khoảng 5.000 yên, nhưng sẽ tăng lên khi trẻ lớn lên.
Truyền thống bắt nguồn từ việc cúng bánh gạo gọi là kagami mochi cho toshigami-sama, thần Năm mới. Những bánh gạo này, được bố mẹ đưa cho con cái, được gọi làtoshidamatrong quá khứ, và sau đó được thay thế bằng những món đồ chơi nhỏ, và giờ là tiền.
6. Túi phúc may mắn – Fukubukuro

Fukubukuro là một túi giấy trong đó có chứa nhiều vật phẩm, tuy nhiên bạn sẽ không được biết trước trong túi có những gì. Có đa dạng các loại túi như túi phúc thực phẩm, túi phúc hàng điện tử, hay chuyến du lịch xa xỉ. Có những người xếp hàng xuyên đêm để có thể mua được túi phúc tại các cửa hàng bách hoá nổi tiếng.
Điều đặt biệt là tổng giá trị các vật phẩm trong từng túi khác nhau là khác nhau, và có thể cao hơn hoặc cũng có thể thấp hơn giá của túi. Nếu bạn may mắn, bạn có thể mua được túi fukubukuro với tổng giá trị các mặt hàng cao hơn số tiền bạn phải trả. Có những túi fukubukuro có giá trị thật cao gấp 10 lần giá của túi. Tuy nhiên, như đã nói đây là một hình thức thử vận, nếu bạn không may mắn, bạn có thể chọn nhầm túi với giá trị thấp hơn giá tiền của túi, hoặc túi có các vật phẩm mà bạn không vừa lòng.